Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE); Bộ Xây dựng; các cơ quan địa phương; Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD); Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức Phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường (IUCN, GreenHUB, ENDA,GRET...); các viện nghiên cứu, trường đại học, trường học và các nhà nghiên cứu (Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng, Đại học Tài nguyên và Môi trường, JEAI WARM, JEAI PLASTIC, Đại học Nha Trang, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, Đại học Tây Nguyên, THCS Thanh Đa TPHCM…)
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Theo đánh giá của một số tổ chức Quốc tế, Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải lớn trên thế giới. Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến quốc tế, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm quản lý, giảm thiểu rác thải. Chính phủ cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải khó phân hủy, chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng các rác thải, phế thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra….
Hội thảo diễn ra trong 3 ngày (09, 10, 11/12/2019) với các tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước: TS. Marie-Lan Nguyen-Leroy (PRX): “Năng lực và chất lượng dịch vụ của các đơn vị chức năng và mạng lưới dịch vụ giữa các khu vực đô thị và nông thôn tại Hà Nội”; TS. Emmanuel Cerise (PRX): “Các sáng kiến cá nhân và đổi mới trong công tác tái chế và xử lý rác thải được thúc đẩy thông qua các hoạt động hợp tác”; TS. Warma Dewanti (ITS, Surabaya, Indonesia) “Các ngân hàng rác ở Surabaya và các điều kiện bối cảnh lãnh thổ và xã hội”; TS.Sonia Maria Dias (WIEGO, Belo Horizonte, Brazil) “Hợp tác xã nhặt rác ở Belo Horizonte, Brazil”; TS. Rémi de Bercegol (CNRS, Delhi, Inde) “Những người nhặt rác ở khu ổ chuột Hanuman Mandir và mạng lưới các chợ đầu mối phế liệu ở New Delhi”; TS. Nguyễn Thái Huyền, Nguyễn Thị Hải Yến, Lê Thị Thảo Trang (HAU) “Cấu trúc không gian và vận hành mạng lưới các cơ sở phế liệu tại Hà Nội (sự hình thành, sự liên kết và sự năng động của hệ thống)”; GS. Sylvie Fanchette (IRD) “Việc sử dụng không gian công cộng và quan hệ xóm giềng của những người mua bán phế liệu (sự bao dung và tính mong manh của hệ thống)”; NCS.Nguyễn Minh Phương “Biến đổi không gian kho bãi và không gian tái chế tại làng nhựa Minh Khai, đối mặt với các chính sách quốc tế và quốc gia về rác thải” nhựa; TS. Nguyễn Thái Huyền, Đinh Ngọc Ánh “Sự hình thành làng tái chế Xà Kiều, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội”…
Theo lịch trình, các đại biểu sẽ nghe các tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu. Sau đó các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về các nội dung liên quan.
PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại hội thảo