Tham dự buổi tọa đàm có ông Hiroyuki Tsurumi - Tổng Giám đốc Plantec Architect Nhật Bản; bà Nguyễn Phan Mỹ Linh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ThS.KTS. Lã Thị Kim Ngân - Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Nhà trường; TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường cùng một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng…
Plantec là một tập đoàn của Nhật Bản có trụ sở chính tại Tokyo và các chi nhánh ở Nhật Bản, Bangkok Thái Lan, HongKong, Italia và Việt Nam… Plantec hoạt động trên các lĩnh vực: Tư vấn quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc, giám sát, xây dựng, quản lý dự án, quản lý xây dựng, quản lý cơ sở, thiết kế nội thất, bán và xuất khẩu vật liệu xây dựng, vật cố ánh sáng và thiết bị sưởi ấm… Trung tâm Sài Gòn và Trụ sở Acecook là những dự án có sự tham gia của các chuyên gia Plantec.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe chuyên gia của Plantec - ông Hiroyuki Tsurumi - Tổng Giám đốc thuyết trình giới thiệu về Kiến trúc Nhật bản thế kỷ XX.
Nhật Bản là đất nước có khí hậu ôn hòa nên kiến trúc truyền thống ở đây đa phần có cấu trúc bằng gỗ. Phần lớn những ngôi nhà cổ và những nhà thờ tại Nhật đều được xây dựng bằng gỗ. Những cách thức và kỹ thuật được sử dụng trong xây dựng không chỉ phản ánh khí hậu của Nhật Bản mà còn thể hiện được nguồn gốc sâu xa trong sự phát triển của văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, những vật liệu xây dựng như đất, đá và gạch cũng được người Nhật sử dụng.
Khi Nhật Bản mở cửa, kiến trúc phương Tây bắt đầu thay thế những tòa nhà truyền thống của Nhật. Các kiến trúc sư ở Nhật Bản bắt đầu kết hợp các phương pháp xây dựng truyền thống với thiết kế châu Âu. Họ cũng áp dụng những vật liệu xây dựng mới như bê tông và thép. Người Nhật luôn áp dụng phương châm: “Kỹ thuật từ Tây - Lấy hồn Nhật làm tâm điểm”. Trước học văn hóa - mỹ thuật Nhật Bản và Châu Á, sau đó mới tiếp thu có chọn lọc văn hóa, kỹ thuật phương Tây. Nhật Bản là nước duy nhất đạt được tính hiện đại do bản thân không bị đè nặng bởi truyền thống quá khứ hoặc di sản thuộc địa như hầu hết các nước Châu Á khác. Một số Kiến trúc sư Nhật Bản như Tange Kenzo hoặc Arata Isozaki đã tạo ra phong cách độc đáo và phát triển thiết kế hiện đại mang tính quốc tế…
Buổi tọa đàm thu hút nhiều câu hỏi, sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành cũng như chia sẻ quan điểm, xu hướng và hành nghề kiến trúc tại Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và đối tác Nhật Bản trong tương lai.