Tham dự workshop có TS.KTS. Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm; PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông - Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Lê Việt Hà - Chủ nhiệm Ashui.com, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch Đô thị.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Phòng Đào tạo cùng đại diện các Khoa, Phòng Ban chức năng trong Trường; các nhà khoa học, các giảng viên và các em sinh viên…
Phát biểu tại Hội thảo, TS.KTS. Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết:“Tái thiết những không gian bị chuyển đổi trong đô thị” được dựa trên bối cảnh không gian xung quanh đường dẫn lên cầu Long Biên tại phố Phùng Hưng. Khu vực này là khu vực trung tâm Thủ đô, hiện đang nhận được sự quan tâm của xã hội...
Theo quy hoạch giao thông Hà Nội mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 1 (đi từ Giáp Bát - Ngọc Hồi đến Gia Lâm - Yên Viên có hướng và vị trí trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có, đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh có tim tuyến nằm về phía phố Phùng Hưng) đi thẳng và rẽ vào phố Hàng Đậu đi qua sông Hồng (song song với cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m) để đến Ga Gia Lâm. Cùng với cầu Long Biên - Công trình được bảo tồn và sử dụng làm không gian đi bộ phục vụ du lịch, văn hoá nghệ thuật, khu vực các vòm đá đường dẫn lên cầu có chức năng quan trọng, tạo không gian chuyển tiếp linh hoạt tiêu biểu cho cảnh quan khu vực.
Trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm cùng quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc, Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UBHabitat) triển khai việc vẽ tranh bích hoạ trên phạm vi 26 vòm cầu, từ ngã ba Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót. Thành phố mong muốn tạo nên một không gian công cộng mới, lý thú cho người dân và du khách, góp phần vào việc phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của thủ đô, để phát huy giá trị của những di sản tương tự như cầu Long Biên.
Theo TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị hiện nay, vấn đề tái thiết không gian bị chuyển đổi là một nội dung hết sức quan trọng và cần thiết mà Hà Nội là một ví dụ nổi bật. Thủ đô Hà Nội là một đô thị đặc biệt, mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa đậm nét đang phải đương đầu với những thách thức của nhịp sống hiện đại, của một đô thị phát triển. Nhiều không gian đô thị bị chuyển đổi một cách tự phát, phục vụ nhu cầu trước mắt đã phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững…
TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung nhận định đây là một đề tài khó nhưng cấp thiết, hấp dẫn và thú vị, phát huy được khả năng chuyên môn của các em sinh viên. Hy vọng kết quả workshop sẽ là những định hướng gợi mở hoặc những giải pháp cụ thể, thiết thực đáp ứng nhu cầu trong việc cái tạo, tái thiết không gian bị chuyển đổi với đô thị Hà Nội.
Tại workshop, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, việc chọn đường Phùng Hưng làm đối tượng nghiên cứu, “tái thiết” có ý nghĩa thiết thực, là cơ hội cho các sinh viên sáng tạo, đề xuất giải pháp tối ưu nhằm dung hòa được hoạt động tái thiết đô thị phu hợp với nhu cầu phát triển nhưng vẫn bảo tồn hữu hiệu ranh giới của hai di sản lớn của Hà Nội - Khu phố cổ Hà Nội và Hoàng Thành Thăng Long.
Ngay trong ngày khai mạc, Ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 42 nhóm sinh viên với 130 thành viên ngành đào tạo Kiến trúc, Quy hoạch, Mỹ thuật, Quản lý đô thị tham gia đề án.